Thống kê cho hay, từ năm 2010 – 2016 toàn quốc ghi nhận 1.201 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 37.000 người mắc... Ảnh minh họa

(Vietnamtimes) – Bữa ăn trong trường, nhất là các trường mẫu giáo và tiểu học, luôn là mối bận tâm không nhỏ của cha mẹ học sinh. Các em còn quá nhỏ để biết mình được cho ăn gì, và cơ chế kiểm soát chất lượng thức ăn lại hoàn toàn do cảm tính.

“Cảm thấy ổn là được rồi”

Hồi tháng hai, một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại Vĩnh Long khiến hơn 200 thày cô và các em học sinh một trường tiểu học phải nhập viện. Kết quả xác minh cho hay thày trò ăn súp thịt bằm và cơm chiên Dương Châu bị nhiễm 3 loại vi sinh là Coliforms, E.coli và Tụ cầu khuẩn. Đây là các loại vi sinh gây bệnh phát triển trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm.

Vụ việc khiến toàn ngành giáo dục và cha mẹ học sinh hết sức lo lắng. Nhiều phụ huynh đã lên tiếng yêu cầu phải tăng cường kiểm tra chất lượng bữa ăn học đường. Tuy nhiên, cái khó bó cái khôn, việc kiểm tra mới chỉ dừng lại ở mức cảm tính.

“Nhà trường chọn nhà cung cấp bữa ăn cũng chỉ căn cứ theo quy định chung chung là cơ sở phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không quá xa trường để đảm bảo từ khi nấu xong đến khi ăn không quá 2 giờ,… Hiện chưa có quy định nào về hàm lượng thức ăn cho các cháu để tránh béo phì hoặc thiếu dinh dưỡng. Việc kiểm tra chủ yếu thực hiện bằng mắt và mũi. Cảm thấy ổn là được” – Cô Ng., Hiệu phó một trường PTCS tại TP.HCM cho biết.

Cũng theo cô Ng., Phòng Giáo dục và Y tế quận đều yêu cầu cơ sở cung cấp suất ăn phải công khai địa chỉ chế biến để tổ chức kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, nhà trường vẫn rất lo ngại và Ban giám hiệu phải cắt cử người ăn chung với các cháu. “Vừa để cảm nhận thức ăn, vừa đề phòng nhỡ có làm sao thì cô bị trước, đỡ lo phụ huynh mắng vốn”. – Cô đùa.

Sáu ngàn đồng một con gà (!)

Việc kiểm tra các cơ sở chế biến bữa ăn cho các cháu học sinh hiện mới chỉ dừng ở mức cảm quan về vệ sinh, quy trình chế biến một chiều, vận chuyển bằng xe bịt kín hay không,… Nguyên liệu đầu vào hầu như chưa thể kiểm soát được.

Về nguyên tắc, thực phẩm mang đến các cơ sở này phải có hóa đơn, chứng từ truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ,… Tuy nhiên, không phải lúc nào nguồn cung cũng được đảm bảo như vậy.

Không ít trường hợp các cơ sở tận thu thực phẩm ôi thiu cuối ngày ở chợ rồi ngâm tẩm gia vị, phụ gia, phục vụ bữa ăn hôm sau để tiết giảm chi phí đầu vào. Điển hình có thể kể vụ “bữa ăn thịt thối” ầm ĩ trên báo chí một thời, khi một cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp cho 2 trường ở TP.HCM bị phát hiện tẩm ướp gia vị để “tươi hóa” thịt heo thải loại.

Anh L., chủ một trại gà ở Bình Phước cho biết: “Người ta đến mua gà chết chỗ tôi, nói là để xay làm thức ăn gia súc. Sáu ngàn đồng một con. Sau tôi biết họ cung cấp cho mấy bếp ăn công nghiệp chuyên nấu ăn cho các trường học ở Bình Dương và TP.HCM, sợ quả báo, tôi không bán nữa. Nhìn bề ngoài thì gà chết và gà giết mổ không khác gì nhau. Tinh lắm mới thấy gà chết thịt xậm màu hơn vì đọng tiết. Thế nhưng, trái với gà giết mổ phải nuôi riêng 1-2 tuần để loại bớt kháng sinh, gà chết rất nhiều kháng sinh tồn, để các cháu ăn vào thật tội cho chúng”.

Vậy có chủ trại gà nào không sợ quả báo không? Không ai dám chắc. Nguồn cung thực phẩm cho các cơ sở thiếu một sự kiểm soát đủ để người tiêu dùng an tâm.

Kỳ tới: Ly sữa lỏng quy chuẩn


Thống kê cho hay, từ năm 2010 – 2016 toàn quốc ghi nhận 1.201 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 37.000 người mắc. Tuy nhiên, số vụ xảy ra trong học đường không lớn, chỉ 7 vụ với 346 người nhập viện, nhưng vì các cháu còn nhỏ, khả năng đề kháng kém, nên các gia đình và xã hội rất lo lắng. Chưa đề cập đến những chuyện xa hơn như kiểm soát hàm luợng thức ăn tránh béo phì hoặc suy dinh dưỡng, chỉ riêng việc kiểm soát nguyên liệu và vệ sinh an toàn cho bữa ăn học đường thông thường cũng đã đủ cho cả xã hội phải quan ngại rồi.

Nguyễn Sơn
(Thời Đại)