(Vietnamtimes)- Không hiểu sao khi đứng trước hiên nhà có bức tượng thạch cao cô bé ngồi trên xích đu chăm chú đọc sách giữa công viên quốc gia bang Niedersachsen này tôi lại nghĩ đến em.
Có lẽ vì nhà em cũng trồng rất nhiều hoa và bonsai. Có lẽ vì cả hai đều là những cô bé con xinh xắn đáng yêu. Chỉ có một điều khác là tôi không gặp em trong vườn hoa buổi sớm tinh khiết như thế này. Lần đầu tiên tôi gặp em là tại phòng điều trị bạch cầu cấp. Bé Quỳnh đáng yêu và xấu số của tôi.
Đêm ấy, y tá trực phòng đến báo tôi có một bệnh nhân đau lắm không ngủ được. Tôi đã gặp em trong một tình huống đau lòng như thế đấy. Em đã ở vào giai đoạn cuối của chứng bệnh ung thư hiểm nghèo. Mọi sự điều trị chỉ là sự kéo dài trong thắc thỏm của gia đình, trong niềm hy vọng trong sáng của em và trong nỗi buồn bất lực của người thầy thuốc.
Thế nhưng sau mỗi cơn đau, sau mỗi lần truyền hóa chất, sau mỗi lần truyền máu, em vẫn lại như một cô bé con vô tư và rất yêu đời. Em vẫn mong có ngày lành bệnh để được đến trường, đến lớp cùng thầy cô bạn bè. Những ngày ấy, tôi là bác sĩ nội trú, có căn phòng dưới chân cầu thang không dùng nữa của Khoa Nhi, nên không biết tự bao giờ tôi trở nên thân thiết với em.
Càng thân quen, nỗi buồn trong tôi lại càng thêm trĩu nặng, bởi tôi biết một ngày không xa tôi sẽ không còn được ngồi bên giường Quỳnh và cùng chơi những trò chơi trẻ con vui vẻ với em nữa.
Buổi chiều 29 Tết, tôi đến thăm em trước khi lên tàu về quê ăn Tết. Em nằm xoay mặt vào tường nhất định không cho ai gặp. Mẹ em bảo: Quỳnh ơi, bác sĩ Khôi đến thăm con nè.
Lúc đó em mới từ từ quay mặt ra. Mẹ em bảo là em không muốn gặp ai trừ mấy cô y tá trong phòng, bác sĩ Lĩnh và tôi.
Em bảo mẹ là: Bữa nay mặt con xấu lắm, con không muốn mọi người sợ. Lần ấy tôi đã lặng lẽ khóc. Đúng là gương mặt em đã biến dạng rất nhiều do xuất huyết, do thâm nhiễm, phù nề. Tôi hỏi em có muốn về nhà ăn Tết không. Em bảo muốn lắm nhưng chỉ về vào tối 30 thôi. Nhất định không về vào ban ngày vì em không muốn mọi người nhìn mặt em và thương hại. Hình như những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo bao giờ cũng trưởng thành hơn về suy nghĩ. Tôi ngoéo tay em hẹn gặp lại sau Tết.
Thế rồi khi tôi trở lại Huế sau Tết, thầy Thắng, bố em, ôm tôi khóc nức nở. Em đã đi. Con chim non đã bay qua bầu trời trong xanh và bất hạnh của mình vội vàng như thế đấy. Đã lâu lắm rồi nhưng tôi chưa có dịp lên viếng mộ em. Tuy nhiên tôi đã mang về trồng trong vườn mình mấy khóm quỳnh. Và rồi tôi lại ra đi. Khóm quỳnh ấy không có ai chăm. Không ai biết đối với tôi, đằng sau cái tên ấy là một thân phận bé bỏng đã in dấu vào tâm thức tôi từ những ngày đầu chập chững vào nghề.
Cuộc sống vẫn cứ tuôn chảy về phía trước với tất cả hạnh phúc và khổ đau của những người tạo nên nó. Tôi biết rồi đây, trong cuộc đời thầy thuốc của mình, tôi sẽ phải tiễn đưa những cánh chim non như thế nữa. Người ta bảo phải chai sạn đi mới có thể tiếp tục làm việc tốt được. Tôi thì không nghĩ thế. Không bao giờ chai được. Có chăng thì nỗi đau sẽ thao thức ở một bình diện khác.
Nhớ đến Quỳnh tôi không còn buồn như những ngày em mới mất. Bây giờ, trong tôi, em mãi là cô bé con thông minh, đáng yêu và trong sáng. Tôi đã chụp cô bé ngồi trên xích đu này 2 lần trong cùng một tư thế. Một bức để tặng cho hai công chúa nhỏ của tôi.
Một bức dành để tặng em cùng với những dòng thương nhớ này, bé Quỳnh của tôi…
TS-BS Lê Minh Khôi
(*) Tạp văn “Viết cho Quỳnh”, in trong tập Những sườn núi lấp lánh (Saigon Books & NXB Hội Nhà văn ấn hành 2017). TS-BS Lê Minh Khôi hiện làm việc tại Khoa Phẫu thuật tim mạch của BV ĐH Y Dược TP.HCM