
Một người nhỏ tuổi nhất, 15 tuổi, mất hai chân từ một bi kịch gia đình, và một người lớn tuổi nhất, 94 tuổi, gần như cả đời chỉ làm thiện nguyện, đã được hãng tin BBC (Anh) chọn vào số 100 phụ nữ có ảnh hưởng và uy tín của năm 2018.
1. Cô bé có cái tên Mỹ – Haven Shepherd, nhưng khi ra đời em lại có tên Việt – Do Thi Phuong, vì sinh ra ở một vùng quê nghèo khó của tỉnh Quảng Nam. Khi Haven 14 tháng tuổi, trong lúc tuyệt vọng về cuộc sống chung, cha cô ôm bom tự sát cùng mẹ và cô. Hai người lớn chết lập tức, còn đứa bé, như có phép lạ, văng xa vài chục mét và mất hai chân. Câu chuyện được báo chí đăng tải, lan tới thành phố Carthage, bang Missouri, Mỹ, khiến hai vợ chồng Rob và Shelly Shepherd quan tâm. Bà Shelly, 57 tuổi, mẹ bảy đứa con, nói: “Chúng tôi biết ông bà em quá nghèo, không thể nuôi dưỡng em tốt được nên muốn nhận về nuôi”.
Khi 20 tháng tuổi, Haven đến Mỹ, cuộc sống mới tốt hơn, nhưng khó khăn lớn nhất là người lớn phải nói sự thật với em như thế nào. Năm Haven năm tuổi, bà Shelly quyết định kể hết mọi chuyện cho con nuôi, nhưng khi nghe xong cô bé bình thản nói: “Thật điên rồ” và sau đó quên đi tất cả. Không oán trách số phận và tha thứ chuyện người khác khiến mình đau khổ, đó là phép lạ thứ hai trong cuộc đời của Haven, từ đó phép lạ thứ ba xảy đến, đó là những gì em làm để vượt qua số phận một cách mạnh mẽ.
Biết Haven đã trải qua những giây phút khắc nghiệt, gia đình muốn em có một cuộc sống bình yên bằng cách cho học âm nhạc, nhưng em chọn thể thao, học bơi lội.“Điều tôi thích nhất ở môn này là được tháo chân giả ra, được tự do và thoải mái trong nước.Nước là thế giới riêng của tôi”, Haven nói.Năm mười tuổi, em bắt đầu học bơi và tiến bộ nhanh đến nỗi được chọn vào đội bơi nước Mỹ chuẩn bị cho đại hội Paralympics dành cho người khuyết tật vào năm 2020 và 2024.
Tuy nhiên, bơi lội chỉ là một phần của Haven, em còn là người mẫu thành viên của chiến dịch Models of Diversity (MoD) nhằm tìm ra những đại diện tốt nhất không phân biệt tuổi tác, chủng tộc, khiếm khuyết cơ thể hay giới tính truyền thống trong lĩnh vực thời trang, sắc đẹp và báo chí. Khi có thời gian rảnh, em còn đi thăm người khuyết tật ở bệnh viện, động viên họ vượt qua đau khổ. Em nói: “Khi tôi cho họ thấy tôi vẫn có thể đi lại và sống một cuộc đời đầy thú vị, thì tôi cảm nhận thế giới của họ đang thay đổi”.

2. Năm 19 tuổi, Helen Taylor Thompson, gia nhập “đội quân bí mật” của Thủ tướng Anh Winston Churchill trong Thế chiến 2, với vai trò chuyên viên xử lý mật mã. Chiến tranh kết thúc, năm 1952, bà cùng vài người mở bệnh viện Mildmay tại một quận nhỏ cùng tên, để chữa bệnh cho người nghèo.Vào những năm 1970, bệnh viện đóng cửa vì hết tiền hoạt động. Vài năm sau, bà viết thư lên bộ trưởng Y tế xin cho bệnh viện mở lại với pháp nhân nhà thương thí. Đề xuất được chấp nhận, nhưng thách thức là bà chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tự điều hành một bệnh viện. Thách thức nhiều hơn khi bà chọn đối tượng để chăm sóc là bệnh nhân AIDS. Đó là những năm 1980, bệnh này mới được thế giới biết đến với nỗi sợ hãi và kỳ thị nặng nề.
Bệnh viện của Helen mở cửa năm 1988, là bệnh viện chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối đầu tiên ở châu Âu. Lúc đầu bệnh viện chỉ có chín bệnh nhân nam trẻ đồng tính được chăm sóc ở tầng trên để kín đáo, thế mà ngày ngày nó vẫn nhận bao nhiêu gạch đá từ cộng đồng chung quanh, vì họ quá hoảng sợ. Bà Helen nhớ lại: “Thợ cắt tóc trong vùng không ai dám phục vụ nhân viên bệnh viện vì sợ lây bệnh, còn người lái xe chở bệnh nhân đến thì luôn trang bị quần áo như phi hành gia lên sao Hoả”.
Nhưng rồi thời gian cũng giúp người ta giảm bớt kỳ thị với bệnh nhân HIV/AIDS và hiểu được công việc của Helen Taylor Thompson làm. Tình yêu thương của bà dành cho bệnh nhân lan toả đến cộng đồng, đến nỗi nhiều người xa lạ đã tình nguyện đến chung tay. Đó là những chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia âm ngữ hay âm nhạc liệu pháp. Thậm chí là những tình nguyện viên đến hướng dẫn bệnh nhân lấy lại những kỹ năng mà họ mất, như đón xe buýt hay đi mua sắm. Rồi ngày nọ, công nương Diana ghé thăm bệnh viện Mildmay, bắt tay một bệnh nhân và hai khoa bệnh được đặt tên lại là “William” và “Catherine”.
Năm nay 94 tuổi, bà Helen rút khỏi vai trò điều hành bệnh viện Mildma, nhưng vào năm 2000, khi 76 tuổi, bà thành lập tổ chức phi chính phủ Thare Machi Education (TME) (hay Starfish Initiative) với mục tiêu giáo dục trẻ em, người trẻ của những quốc gia nghèo khổ chống lại bệnh tật và cho họ cơ hội đến trường để nắm bắt tương lai.
So với công việc và ý tưởng của nhiều người khác, những việc Helen Taylor Thompson làm thật âm thầm, nhưng đó là cách sống mà bà chọn lựa suốt đời. Bà nói: “Cuộc sống không phải lúc nào bạn cũng kiếm tiền, vì có vô số chuyện bạn có thể làm một cách tự nguyện”.
Bình Yên (theo TGTT)