Trái tim cũng có cảm xúc

0
3

Bị người tình bỏ rơi để chạy theo một người con gái khác, Helen Ross, một cựu người mẫu nước Anh, đột nhiên ngưng tim. Tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện cô mắc “hội chứng trái tim tan vỡ”.

Câu chuyện này được tờ Daily Mail (Anh) đăng tải tuần qua.

Vui, buồn đều khiến ta đau tim

Đầu thế kỷ 20, khi nghiên cứu về bia mộ, chuyên gia thống kê Karl Pearson phát hiện những cặp vợ chồng thường chết trong vòng một năm sau khi một người trong số họ qua đời. Không ai quan tâm đến phát hiện này, mãi về sau nhiều nghiên cứu mới cho thấy stress và cảm xúc ảnh hưởng lên sức khoẻ con người, đặc biệt là trái tim.

Một trong những thí dụ rõ nhất là “hội chứng trái tim tan vỡ” (HCTTTV), còn gọi là “bệnh cơ tim Takotsubo”, theo đó những cú sốc cảm xúc (thất tình, người thân mất, thiệt hại tài chính) làm trái tim yếu đi, tạo ra những triệu chứng như nhồi máu cơ tim. Gánh nặng cảm xúc này biến đổi trái tim thành hình chiếc rọ bắt bạch tuộc, tiếng Nhật gọi là Takotsubo, thắt hẹp phần cổ nhưng lớn ra bên dưới.

Ngày nay, trường hợp như Helen Ross không quá xa lạ, dù ca HCTTTV đầu tiên chỉ mới được nghiên cứu năm 1991 bởi BS Hikaru Sato (Nhật Bản). Nhưng trong khi phần lớn ca HCTTTV tiếp theo xảy ra ở Nhật trong thập niên sau đó, thì thế giới chỉ quan tâm khi truyền thông vào cuộc sau một nghiên cứu công bố trên tạp chí New England Journal of Medicinevào năm 2005.

Tại sao cảm xúc khiến người ta đau tim? Y học nghiên cứu không nhiều về HCTTTV, vì thế trong cuốn sách mới xuất bản ở Mỹ có tên Heart: A History (Lịch sử trái tim), TS.BS tim mạch học Sandeep Jauhar, kêu gọi giới khoa học nghiên cứu nhiều hơn những yếu tố cảm xúc gây bệnh tim, thay vì chỉ tập trung vào các yếu tố quen thuộc như tăng cholesterol máu, hút thuốc, cao huyết áp. Ông lý giải: Khi người ta bị một cảm xúc mãnh liệt, các thần kinh kiểm soát tiến trình vô thức như nhịp tim sẽ cảm nhận sự bất thường, kích hoạt những đáp ứng xấu khiến mạch máu co thắt, tim đập nhanh, huyết áp tăng và cơ tim tổn thương.

Nhưng không chỉ những cảm xúc tiêu cực (đau khổ, sợ hãi, giận dữ), mà cả những cảm xúc tích cực (vui mừng, hạnh phúc) cũng có thể dẫn đến HCTTTV. Nghiên cứu đăng trên European Heart Journal năm 2016 cho thấy trong 1.750 bệnh nhân bị HCTTTV, có 485 ca liên quan rõ đến yếu tố cảm xúc, trong đó 20 ca xuất hiện sau một sự kiện hạnh phúc, lúc này  HCTTTV chuyển thành… “hội chứng trái tim hạnh phúc”.

Nói đến vui sướng làm đau tim, người ta phải nhắc đến cuốn phim Slovenia Blossoms in autumn (Nở hoa vào thu) ra mắt năm 1973 của đạo diễn Matjaž Klopčič, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Ivan Tavčar. Phim kể về chàng luật sư trung niên Janez từ thành phố về quê nghỉ hè và phải lòng cô gái trẻ Meta. Khi Meta nhận được lời cầu hôn của Janez, cô vui sướng đến độ ngưng tim và qua đời. Trong lễ tang, cha Meta cho biết con mình không khoẻ và có bệnh tim, nhưng người mẹ lại nói khác: “Không phải, con bé chết vì quá hạnh phúc”.

Phụ nữ trải nghiệm cảm xúc mãnh liệt dễ bị “hội chứng trái tim tan vỡ”, căn bệnh có tim trái tổn thương với hình dáng như chiếc rọ bắt bạch tuộc.Bệnh tăng cuối năm

HCTTTV ít khi gây chết người. Bệnh nhân chỉ được điều trị nâng đỡ và trong vài tuần chức năng tim trái trở về bình thường. Để phòng ngừa lặp lại, bệnh nhân sẽ được học cách hoá giải stress và đối mặt với những tình huống khó khăn sắp tới. Trong cuốn Heart: A History, BS Sandeep Jauhar cho biết HCTTTV xuất hiện sau một biến cố cảm xúc mạnh, ngay cả khi bệnh nhân không ý thức về cảm xúc của mình. Ông kể về một ca HCTTTV điển hình, một người vợ có chồng qua đời sau một thời gian dài bị chứng sa sút trí tuệ.

Ông nói: “Một tuần sau đám tang, người vợ nhìn hình chồng rồi khóc. Đột nhiên bà lên cơn đau ngực, khó thở dù đang ngồi trên ghế. Trên siêu âm, trái tim của bà đập rất yếu dù các xét nghiệm khác bình thường. Sau hai tuần nằm viện, cảm xúc của bà trở về bình thường và siêu âm kiểm tra cho thấy tim cũng khoẻ trở lại”.

Thực tế HCTTTV gặp ở nữ nhiều hơn nam, đặc biệt phụ nữ sau tuổi mãn kinh, dường như liên quan ít nhiều đến những rối loạn nội tiết tố. Tuy nhiên, một nghiên cứu ở châu Âu vào năm 2009, cho thấy căn bệnh này tăng nhẹ  vào những tháng cuối năm, được cho là liên quan đến hai yếu tố: sự co thắt của những vi mạch máu của hệ thống mạch vành vì trời lạnh, và nhiễm virus Parvovirus B19, xuất hiện nhiều vào mùa đông.

HCTTTV rõ ràng liên quan đến những cảm xúc cá nhân, nhưng y văn từng ghi nhận một vụ “bùng phát” HCTTTV sau cơn động đất mạnh 6,8 độ Richter tàn phá thành phố Niigata thuộc Honshu, hòn đảo lớn nhất Nhật Bản vào ngày 23/10/2004. Hơn 3.000 người bị thương và 39 người chết vì thảm hoạ này. Đất lở đã khiến hai đường quốc lộ lớn bị đóng cửa, hệ thống cung cấp nước, điện và điện thoại tê liệt. Một tháng sau sự cố, các nhà nghiên cứu phát hiện tỷ lệ mắc HCTTTV trong người dân Niigata tăng gấp 24 lần năm trước, được lý giải do việc bị cô lập, buồn chán, đau khổ.

Ngày nay, HCTTTV không còn được xem là bệnh “tầm thường”. Một nghiên cứu hồi tháng 10 năm nay trên 61.400 người mắc bệnh này, cho thấy 12% phải tái nhập  viện trong vòng 30 ngày, trong đó gần 4% tử vong. Theo GS Harmony Reynolds, đại học Y khoa New York, nghiên cứu viên chính, nguyên nhân tái nhập viện của bệnh nhân HCTTTV là suy tim. Người ta cũng phát hiện một số yếu tố nguy cơ gây ra HCTTTV như béo phì, đái tháo đường, trầm cảm, viêm khớp dạng thấp, hay bệnh phổi mạn tính.

An Nhiên (Theo TGTT)